Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật “vợ nhặt” trong truyện ngắn cùng tên của Kim Lân?

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu chung

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học phân tích về một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi thuộc thể loại truyện ngắn; bố cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi chính tá, dùng từ, ngữ pháp.

- Làm rõ đặc điểm của hình tượng nhân vật vợ nhặt: số phận bất hạnh vì bị nạn đói đe doạ và khát vọng mãnh liệt được sống, được hạnh phúc; nghệ thuật xây dựng hình tượng của tác giả.

Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật “vợ nhặt”

- Nắm vững kiến thức cơ bản về hình tượng gắn với yêu cầu nội dung của đề, huy dộng hợp lí kiến thức có liên quan (tác giả, tác phẩm,...).

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng BÀI LAM cần đảm bảo các ý chính sau:

a. Giới thiệu chung

- Trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam sau 1945, Kim Lân được biết tới như một cây bút “viết ít mà ngày càng được khâm phục nhiều”. Sáng tác của Kim Lân không bề thế nhưng lại có tác phẩm được xếp vào hàng kiệt tác.

- Vợ nhặt chính là một trong những tác phẩm như thế. Truyện ngắn này không chỉ hấp dẫn người đọc bởi giá trị nhân đạo cảm động mà còn là thành công đặc sắc trong nghệ thuật khắc hoạ nhân vật.

- “Vợ nhặt” là một trong những hình tượng nhân vật để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc. Đó là người phụ nữ có số phận bất hạnh, là nạn nhân của năm đói nhưng luôn khao khát mãnh liệt đứợc sống, có một mái ấm gia đình.

b. Cảm nhận về hình tượng

- Hình tượng nhân vật vợ nhặt được ngòi bút Kim Lân tập trung khắc hoạ trong tình huống đầy éo le, trớ trêu nhưng cũng rất thực của hiện thực đời sống xã hội Việt Nam những năm trước Cách mạng. Đó là tình huống một người phụ nữ liều lĩnh theo không về làm vợ một người đàn ông xa lại mới chỉ gặp hai lần. Đây cũng là tình huống được lựa chọn làm nhan đề tác phẩm. Nhà văn đã xuất phát từ tình huống éo le này mà đặt cho nhân vật một cái tên thật đặc biệt: Vợ nhặt.

- Một người phụ nữ có số phận bất hạnh bởi bị nạn đói khủng khiếp năm 1945 đe doạ.

+ Ngoại hình:

Một người phụ nữ có số phận bất hạnh bởi bị nạn đói

* Qua cảm nhận của nhân vật Tràng, nạn đói đã để lại dấu ấn sâu đậm trên những nét ngoại hình nhân vật: Chỉ sau mấy ngày không gặp mà người phụ nữ ấy thay đổi đến mức Tràng cũng không thể nhận ra: “Thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “hai con mắt trũng hoáy”. Có lẽ Kim Lân đã phát huy một cách hiệu quả sức mạnh nghệ thuật của bút pháp “tả chân” - một yếu tố nghệ thuật mang dấu ấn thi pháp của khuynh hướng hiện thực để khắc sâu, tô đậm chân dung thê thảm của một người phụ nữ là nạn nhân của nạn đói.

* Những trang văn viết về cái đói của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan trước Cách mạng dường như mới chỉ xoáy vào hiểm hoạ cái đói cướp đi sinh mệnh con người hoặc huỷ hoại nhân tính con người, còn ngòi bút Kim Lân cho người đọc thấy một góc nhìn khác về cái đói ở chỗ chính nó đã tước đoạt, huỷ hoại những vẻ đẹp giàu chất nữ tính nhất của một người phụ nữ.

+ Tính cách:

* Kim Lân dường như đã phát huy được sở trường miêu tả, phân tích tâm lí người nông dân vừa chân thực vừa tinh tế sống động của mình.

* Tràng gặp người phụ nữ “vợ nhặt” khi thị đương “ngồi vêu” ở kho thóc của huyện. Người đàn bà ấy sẵn sàng bắt quen với Tràng từ một câu hò vu vơ buông ra giữa chợ, thậm chí vịn vào câu hò như một lời hứa hẹn. Thế nên gặp lại lần thứ hai, người đàn bà ấy mới tự cho mình được cái quyền sưng sỉa, cong cớn trách móc. Cũng chính người đàn bà ấy vì nhu cầu: sinh tồn rất bản năng mà sẵn sàng gọi ăn giữa đường giữa chợ với một người đàn ông xa lạ. Khi được thoả mãn nhu cầu ấy, chị ta ăn uống một cách tội nghiệp, thê thảm: “hai con mắt trũng hoáy của chị tức thi sáng lên{...} đon đả.{...} Thế là chị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Dường như với người đàn bà ấy, danh dự và lòng tự trọng đã trở thành một thứ gì đó quá xa xỉ nên dễ dàng để sang một bên, sẵn sàng dẹp lại để sinh tồn. Không chỉ vậy, sau khi được thoả mãn nhu cầu sinh tồn ấy, người đàn bà đã liều lĩnh thành vợ theo không - vợ nhặt - của một người đàn ông chỉ vì một lời rủ rê mà đùa nhiều hơn thật.

* Có thể nói, khắc hoạ nhân vật bằng những dối thoại, những cử chỉ hành động xem ra không mấy nữ tính, Kim Lân vừa khẳng định được sự am hiểu tâm lí người nông dân nghèo, vừa thể hiện được tấm lòng đối với những con người ấy. Qua đối thoại của nhân vật, nhà văn giúp người đọc hiểu: người “vợ nhặt” quả có cong cớn nhưng không nanh nọc, có trơ trẽn nhưng không lẳng lơ. Tính cách ấy chỉ là sản phẩm của một cuộc sống nghèo đói, cuộc sống vất vưởng lang thang nơi lề đường xó chợ chứ quyết không thể là sản phẩm của cái xấu hay cái ác.

* Số phận bất hạnh của người vợ nhặt có lẽ được ngòi bút Kim Lân thể hiện sâu sắc nhất trong sự kiện người phụ nữ ấy tự nguyện trở thành “vợ nhặt” của một người đàn ông nghèo, xấu lại là dân ngụ cư như Tràng. Chưa bao giờ và ở đâu như trong Vợ nhặt, địa vị và giá trị của người phụ nữ làm vợ lại bị hạ thấp, rẻ rúng đến vậy. Có thể tìm thấy trong tác phẩm nhiều định nghĩa về vợ thật thê thảm: vợ - vốn là biểu tượng của hạnh phúc, cần được trân trọng, nâng niu vật mà có thể dễ dàng nhặt được như nhặt cọng rơm bên lề đường. Vợ nhặt, trở thành gánh nặng “đèo bòng”, thậm chí bị coi là “của nợ đời”. Bấy nhiêu định nghĩa về vợ đã giúp Kim Lân khái quát thật đầy dủ, thấm thía về số phận bất hạnh của người phụ nữ trong tác phẩm.

- Hình tượng một người phụ nữ tiềm ẩn những nét tích cách phẩm chất tâm hồn đẹp đẽ.

Một người phụ nữ tiềm ẩn những nét tích cách phẩm chất tâm hồn đẹp đẽ

+ Trước hết đó là một người phụ nữ lao động rất biết cách cư xử:

* Ngay trong khi sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng và danh dự để có miếng ăn, người phụ nữ ấy không phải đã hoàn toàn bị tha hoá về nhân cách. Trước khi ăn vẫn không quên vớt vát một cấu “ăn thật nhá! Ừ, ăn thì ăn sợ gì” lấy lại một chút sĩ diện. Ăn xong, biết bày tỏ sự hàm ơn kín đáo bằng một lời khen “Hà, ngon!”. Chính cách ứng xử này khiến người đọc không thấy khinh ghét mà chỉ thấy ái ngại, thương xót nhân vật.

* Về nhà chồng, người phụ nữ ấy tỏ ra rất đoan trang, ý tứ: người dân ngụ cư thấy thị có cái “thèn thẹn hay đáo để” thường thấy của một cô dâu mới; biết “nén một tiếng thở dài” khi đối mặt với cảnh nhếch nhác, nghèo khó của nhà chồng; biết “ngồi móm xuống mép giường”; biết “điềm nhiên và vào miệng” bát cháo cám đắng chát.

+ Không chỉ vậy đó còn là người phụ nữ âm thầm khao khát cháy bỏng được sống và sống hạnh phúc:

* Ngòi bút Kim Lân đã miêu tả thật tinh tế nét tính cách, tâm lí này của nhân vật bằng những lời đối thoại, độc thoại nội tâm. Sau khi hàm ơn với con người đã cho mình ăn để sống, người phụ nữ “vợ nhặt” buông một câu thăm dò “về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Ngay lập tức Tràng đáp lại bằng một câu đùa thật thà “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về [...] ai ngờ thị về thật”. Tất cả những người trong cuộc đều cảm thấy mình rất liều lĩnh, song điều đáng nói, chính sự liều lĩnh ấy đã đem đến cho họ một trang đời mới, bất ngờ, đầy hạnh phúc.

* Khát khao được sống và hạnh phúc, người “vợ nhặt” khi đã có mái ấm gia đình đã thay đổi kì diệu. Trong cái nhìn của Tràng sau một đêm có vợ “nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn”. Sự xuất hiện của người “vợ nhặt” đã làm thay đổi hẳn không gian sống của gia đình Tràng. Hình như người phụ nữ ấy thổi vào cái gia đình nghèo khổ này một sinh khí và chính cái gia đình ấy đã trả lại cho người phụ nữ bản chất vốn có của một người lao động: một người vợ đảm đang tháo vát, một người con dâu hiếu thảo.

c. Đánh giá chung

- Hình tượng người “vợ nhặt” được khắc hoạ toàn diện, chân thực từ ngoại hình đến tính cách, số phận. Đó là một người phụ nữ lao động có số phận bèo bọt bởi bị cái đói xô đẩy đe doạ nhưng cũng là người phụ nữ hồn hậu, chất phác, có phẩm giá, cố giữ nhân cách trong những hoàn cảnh nghiệt ngã.

- Qua hình tượng nhân vật này, tác giả thể hiện được một trong những phương diện quan trọng làm nên giá trị hiện thực và chiều sâu giá trị nhân đạo của tác phẩm: con người bị cái đói, bị hoàn cảnh cố tình xô đẩy, vùi dập biến thành bèo bọt nhưng bằng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc âm thầm mãnh liệt họ đã dũng cảm vượt lên hoàn cảnh để khẳng định phẩm chất cao đẹp của mình. Hình tượng nhân vật còn giúp người đọc có thêm nghị lực, niềm tin đấu tranh với hoàn cảnh để tự hào cho mình một cuộc sống hạnh phúc.

Leave a Reply