Hồn và xác trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Xung đột kịch diễn ra đồng thời ở cả hai lớp: giữa văn hoá và bản năng, giữa sự thống nhất cá thể và sự khập khễnh cá thể - vay mượn hình hài. Ở góc độ nào cũng diễn ra cùng một kiểu tranh đấu: cố vượt thoát sự cám dỗ thoả hiệp để vươn đến một cuộc sống lí tưởng của nhân tính, nhân sinh cho mỗi một cá thể.

Bi kịch xảy ra là khi hồn Trương Ba được sống lại. Ớ đây không hề có xung đột giữa sự sông và cái chết. Chỉ đơn giản đây chỉ là cái cớ cho những diễn biến về sau. Trong tư duy của Đế Thích và tiên thánh nói chung, được sông lại là hạnh phúc, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại: sông như thế nào mới quyết định đến hạnh phúc của con người. Nếu cứ để Trương Ba chết đi thì sự tố cáo chỉ dừng ở chỗ sự cẩu thả của Nam Tào và tiên bị lên án ở thái độ vô trách nhiệm. Nhưng để hồn Trương Ba sông lại, thì cả Đế Thích cũng bị lên án, nhưng lại bị lên án ở chỗ... có trách nhiệm trước sự vô trách nhiệm của đồng cấp. Mới hay làm điều tốt cho con người đâu phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho họ. Tư tưởng này là sản phẩm mà chủ nghĩa hậu hiện đại luôn khai thác. Đề xuất tính đa diện trong hành động kịch là cách nhà soạn kịch đưa người đọc xâm nhập sâu hơn vào những vấn đề phiền toái không dễ gì tháo gỡ của nhân sinh.

Hồn Trương Ba da hàng thịt

Xung đột - bi kịch tiếp theo của hồn Trương Ba là được sông lại trong cái xác của anh hàng thịt. Đây chính là bi kịch chính, bi kịch nội tại của nhân vật. Trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt, hồn Trương Ba vốn trước đây nhân hậu, bản tính ngay thẳng, dần dần đổi khác: ham uống rượu, thích bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao, trí tuệ nữa. Các nước cờ giờ không còn phóng khoáng mà tủn mủn, vô hồn.

Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba đau khổ, và càng khổ sở hơn nữa khi hồn không thể giải quyết được mâu thuẫn. Đây chính là thước đo bản chất bi kịch của hồn Trương Ba. Người ta chỉ thực sự bi kịch khi ý thức được bi kịch của mình. Hồn Trương Ba càng cố gắng bao nhiêu thì kết quả dường như càng tai hại bấy nhiêu. Nghịch cảnh đó được đẩy đến cao trào qua các lớp đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, với người thân, với Đế Thích.

Đốì thoại là nền tảng của kịch. Nhờ đối thoại mà hành động kịch, cốt truyện kịch tiến triển. Điểm đặc biệt trong màn đối thoại giữa hồn và xác thực chất là độc thoại. Nhưng trên sân khâu, Lưu Quang Vũ lại bố trí thêm diễn viên. Đây cũng chính là một bước hiện đại hoá kịch của ông. Sự kết hợp giữa thực và ảo.

Tâm trạng của hồn Trương Ba đầy đau khổ. Hồn tìm cách chống lại cám dỗ của xác bằng cách muốn rời khỏi cái xác ấy. Xác đồ tể nhận thấy điều đó, biết những cố gắng của hồn Trương Ba là không thể nên xác ép hồn thoả hiệp với mình và hài lòng sông cùng thân xác ấy. Lí lẽ mà xác đưa ra là cả hai đã hoà vào một rồi, không thể nào khác được. Hồn Trương Ba nổi giận, khinh bỉ lập luận của xác hàng thịt nhưng cuối cùng cũng đành phải ngậm ngùi trở lại xác trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.

Xung đột chưa được giải quyết và cũng chưa dừng lại. Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa hồn và xác là cuộc đối thoại mang nhiều ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời. Thể xác hay đời sống vật chất của con người có tiếng nói riêng. Đó là tiếng nói của bản năng, của những đam mê, dục vọng đời thường. Bản thân tiếng nói đó không có gì đáng xấu hổ hay đáng trách cả. Chỉ khi nó cố lấn át tâm hồn - tinh thần, xui tâm hồn làm điều xằng bậy thì mới đáng chê trách. Thể xác chịu sự chỉ đạo của tâm hồn nhưng nó vẫn có những tác động ghê gớm đối với tâm hồn.

Một tâm hồn tỉnh táo là tâm hồn phải luôn cảnh giác, phải luôn luôn đấu tranh để vượt lên những đòi hỏi sai lạc của thể xác. Hồn Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn bởi nó đang dần bị dung tục, huỷ hoại bởi chính cái xác mà nó trú ngụ. Một triết lí được trình xuất, khi con người chỉ sông trong môi trường thô phàm của cái thế giới vật chất ngự trị, thì tất sẽ bị nó chi phối. Làm thế nào để bảo vệ, hoàn thiện nhân cách, bảo vệ những giá trị văn hoá mà con người dốc sức vun đắp hàng ngàn năm nay là một vấn đề lớn.

Quay lại vào thể xác, hồn Trương Ba phải đối đầu với một xung đột khác. Bi kịch của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch của sự không được thừa nhận. Hồn Trương Ba là người xa lạ trên cõi đời, xa lạ ngay trong chính gia đình mình. Trong hình hài anh hàng thịt và sự biến đổi ít nhiều tâm tính, hành động của hồn Trương Ba đã đưa đến những bất ổn giữa hồn và những người thân trong gia đình. Người vợ ngoan hiền của hồn cũng muốn bỏ đi để hồn "thảnh thơi" với cô hàng thịt, cháu nội không nhận ông, thậm chí nó còn xua đuổi ông vì không chấp nhận bóng dáng kẻ đồ tể ở ông. Cô con dâu, người vốn rất yêu quý, cảm thông với ông trước đây cũng cảm thấy bố chồng ngày một khác đi theo chiều hướng xấu, nhưng cũng không thể nào làm điều gì giúp ông được.

Trương Ba và Đế Thích

Bi kịch gia đình là nút nhấn cuối cùng trong chuỗi xung đột kịch. Mất gia đình, ý nghĩa sống của hồn Trương Ba đầu còn nữa. Đỉnh điểm xung đột kịch xuất hiện. Hồn Trương Ba quyết không thế khuất phục trước xác nữa. Giải pháp của hồn là không cần cuộc sống do cái xác hàng thịt kia mang lại.

Hồn Trương Ba thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích. Đế Thích định tiếp tục sửa sai của mình và Tây Vương Mẫu bằng một giải pháp sai khác là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị với dụng ý cuộc đời hồn Trương Ba sẽ được kéo dài hơn và sẽ không bị hành hạ theo kiểu của xác hàng thịt vì cu Tị vốn quý ông Trương Ba. Hồn Trương Ba cương quyết chối từ: Lí lẽ của hồn là không thể nào chấp nhận được cuộc sống giả tạo. Ý nghĩa của sự sống là lòng trung thực với con người, với vạn vật và cả với chính bản thân mình. Lẽ ra vở kịch nên kêt thúc ở chỗ hồn Trương Ba chết, anh hàng thịt chết, cu Tị chết, nhưng Lưu Quang Vũ rốt cuộc cũng không thể nào thoát ra được cái bóng cổ tích, bằng cách để hồn Trương Ba thuyết phục Đế Thích cho cu Tị sống lại: Với hồn Trương Ba đây là việc làm đúng. Và Đế Thích vốn dĩ là một ông tiên sống trên trời, xa rời thực tiễn trần gian nên đã làm theo lời hồn Trương Ba, trả hồn lại cho cu Tị. Hồn Trương Ba trong hành động này đã trở thành tiên Đế Thích. Không biết liệu cu Tị có rơi vào bi kịch như cách của hồn Trương Ba hay không?

Khát vọng của hồn Trương Ba là khát vọng vươn đến cái chân thực và toàn vẹn tuyệt đối sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo toàn, để vươn đến cái tuyệt đối đó. Ở góc độ này, hồn Trương Ba đứng cao hơn cả Đế Thích bởi đã dũng cảm nói lên tiếng nói bảo vệ chân lí cao quý của con người: sự trung thực, bảo vệ sự trọn vẹn nhân cách, trọn vẹn giá trị nhân sinh. Bằng cái chết của mình, hồn Trương Ba trở nên bất tử. Đây là một nghịch lí, nhưng đấy cũng chính là con đường phục hưng của những giá trị nhân văn.

Leave a Reply