Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

I. TÁC GIẢ – TÁC PHẨM

- Nguyễn Đình Thi thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là một nhà văn, nhà thơ có tên tuổi trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Là một nhà văn đặc sắc, đa dạng trên nhiều lĩnh vực: triết học, âm nhạc, tiểu thuyết, thơ, kịch, lý luận phê bình. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng văn xuôi và tiểu thuyết đã làm nên một Nguyễn Đình Thi, song với thời gian, có lẽ thành công nhất của ông chính là mảng thơ trữ tình viết về con người, đất nước và cách mạng.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi

“Thơ Nguyễn Đình Thi say đắm, nhưng không say đắm như Xuân Diệu, say mà tỉnh; có trí tuệ nhưng không trí tuệ như Chế Lan Viên, anh xúc cảm từ nhỡn kiến chứ không phải từ tri thức; có suy tưởng như không suy tưởng như Huy Cận, anh suy tưởng từ hình sắc chứ không phải từ cái vô hình vô ảnh.” 

(Nguyễn Đức Quyền – Sách Luyện Văn, NXBĐHQG TPHCM, trang 201)

Tác phẩm tiêu biểu: Xung kích, Vỡ bờ (truyện), Người chiến sĩ, Tia nắng (thơ), Con nai đen, Tiếng sóng (kịch).

- Bài thơ Đất nước – in trong tập thơ Người chiến sĩ (1956), được viết trong một thời gian dài, từ 1948 đến 1955, được tổng hợp từ 3 mảng thơ: Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đêm mít- tinh (1949) và khổ 5-khổ 11 được viết năm 1955. 

Thời điểm bắt đầu của Đất nước là sau chiến dịch thu đông Việt Bắc 1947 và thời điểm kết thúc là sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. 

Bài thơ thể hiện cảm hứng tự hào, tin tưởng vào cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa lẫn nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp về Hà Nội, những tình cảm và suy nghĩ về sức sống hiền hoà mà bất khuất, gian khổ mà hào hùng của đất nước và con người Việt Nam.

(Học tốt Văn 12 trang 76 & Sách Luyện Văn, NXBĐHQG TPHCM trang 190)

- Bố cục:

+ Khổ 1 – khổ 4: quá trình nhận thức và niềm tự hào về đất nước giàu đẹp, có truyền thống bất khuất.

+ Khổ 5 – khổ 11: đất nước trong kháng chiến gian khổ và chiến thắng vinh quang

1. Đất nước đau thương (khổ 5) vì thực dân phong kiến (khổ 7)

2. Nhân dân vùng lên chiến đấu vì độc lập tự do (khổ 6,8,9,10)

3. Đất nước vinh quang (khổ 11)

(Học tốt Văn 12 trang 77)

II. NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC VỀ NỘI DUNG & NGHỆ THUẬT

A. CẢM HỨNG SÁNG TÁC:

- Sự kết hợp giữa 2 bài thơ, 2 cảm xúc khác nhau thành 1 bài thơ có khiến tác phẩm bị mất cân đối, không đồng nhất cảm xúc?

Thơ Nguyễn Đình Thi ảnh hưởng sâu sắc từ thơ lãng mạn Pháp, đặc biệt ông có vốn kiến thức triết học phương Tây khá vững chắc. Điều này khiến tư duy ông mạch lạc hơn, cảm xúc được thanh tẩy kỹ hơn, hình ảnh được chọn lọc cẩn trọng hơn. Cảm xúc dang dở thời trai trẻ được hoà trộn với những chiêm nghiệm của thời gian sẽ khiến cho ý tưởng bài thơ được thăng hoa. Hai bài thơ nhỏ cùng một trường cảm xúc, ý tưởng hoà hợp thì khi kết hợp lại sẽ tạo ra hiệu ứng nghệ thuật mạnh hơn.

- Bài thơ đầy chất lãng mạn, chan chứa vẻ đẹp của Hà Nội. Tại sao giữa những năm tháng ác liệt, tâm hồn nhà thơ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp ấy?

Bài thơ biểu hiện cho tình cảm của lớp trí thức trẻ nói chung đi theo CM. Họ có sự lãng mạn, nhưng sự lãng mạn đó không bay bướm, mơ mộng hão huyền mà luôn hướng đến một hiện thực tươi sáng của dân tộc.

(Nguyễn Đình Chính phân tích – Tác giả nói về tác phẩm trang 188)

B. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM:

(Tổng hợp từ Học tốt văn 12, Sách luyện văn, Tác giả nói về tác phầm)

* Hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, trong sáng, hiền hoà, với cảm hứng yêu thương tha thiết và tự hào

1. Đất nước qua hình ảnh mùa thu

- Mùa thu Hà Nội năm xưa

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Những câu thơ mở đầu vô cùng giản dị, như 1 lời kể chuyện, 1 lời tâm sự chứ không dùng đến các phép so sánh, ẩn dụ của thơ ca. Cảm xúc thanh bình và quen thuộc của mùa thu với hương cốm chỉ là 1 cái “cớ” để nhà thơ nhớ lại những ngày thu đã xa. Câu thơ còn mang vẻ đẹp về nhạc điệu: sự trầm lắng, lơ lửng, bâng khuâng của hoài niệm về những ngày đã xa. 

Sáng mùa thu Hà Nội

Câu thơ rất đỗi mộc mạc. Thế nhưng cái vẻ thanh bình đơn sơ tưởng như rất bình thường ấy không thể có được khi đất nước còn bóng giặc ngoại xâm. Trải bao gian khổ, đổ bao máu xương, dân tộc ta mới giành được một mùa thu thanh bình mát trong và đầy hương cốm như vậy. à Câu thơ giản dị làm tăng cái ý nghĩa của sự thanh bình bình thường ấy. Và sự bình dị của đoạn đầu sẽ làm tăng sức biểu cảm của những hình ảnh tiếp theo. 

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Đã có biết bao thế hệ độc giả lặng người đi vì cảm xúc tinh tế của hai câu thơ này. Về mặt ngữ nghĩa, những hình ảnh trên không chứa đựng vẻ đẹp của Hà Nội, nhưng khi đọc hai câu thơ ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp đắm sâu của thủ đô, trái tim của cả nước. Phải yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội mới có thể cảm nhận được cái xao xác hơi may, cái chớm lạnh giữa thành phố này, yên ắng, trong lành, phảng phất những mơ hồ. Dường như sự sâu kín của tâm hồn con người đang khe khẽ hiển lộ trong màn sương rất mỏng, mỏng như thể không có vậy. 

Chỉ bằng 1 vài nét gợi tả tác giả đã dựng lại được cả không gian, sắc màu, hương vị cùng nhịp điệu thời gian: khí trời trong mát, hương cốm ngọt ngào, chút se lạnh của làn gió heo may, những chiếc lá vàng lặng lẽ rơi, nắng dát vàng thềm phố... Hình ảnh thật gợi cảm và tinh tế. Cảm giác về sự chuyển mùa thật rõ rệt, chuyển mùa trong trời đất, chuyển mùa trong lòng người. 

Tĩnh lặng và buồn. Ấy là đặc điểm của hồn thơ và tình thu Hà Nội.

Hà Nội đẹp đến thế nhưng người phải ra đi, rời khỏi nơi bình yên, thân thương này.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy 

Hai câu thơ tạo nên điểm nhấn tuyệt đẹp cho khổ thơ. 

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy – Trong câu thơ này, vị trí lôgic của từng từ, từng hình ảnh được đảo lộn tạo ra 1 ấn tượng đặc biệt. Nếu viết theo logic thông thường thì với ngần ấy hình ảnh không thể dồn ép vào được trong 1 câu thơ với bấy nhiêu từ ngắn ngủi ấy.

Mùa thu đẹp nhưng buồn. Anh - người ra đi rất cương quyết, nhưng lòng anh có xao xuyến bâng khuâng? Tại sao khi phải rời đi, anh không ngoảnh lại nhìn lần cuối? Anh không luyến tiếc cái vẻ đẹp nắng lá rơi đầy kia chăng? Ta thấy được rằng nếu không nặng lòng với Hà Nội, không thiết tha với mùa thu xứ sở, với đất trời quê hương thì làm sao biết được 1 vẻ đẹp đang bị bỏ lại sau lưng mình: thềm nắng lá rơi đầy...? Có lẽ người ta sẽ quay đầu lại luyến tiếc, buồn bã khi phải bỏ lại mãi mãi một vật, một nơi, hay một con người thân thiết đối với mình, nhưng khi con người đó tin rằng sự ra đi đó chỉ là nhất thời, và dự cảm được ngày trở về sẽ rất gần thì hoàn toàn không cần thiết phải ngoảnh lại, phải lưu luyến. Đó là tâm lý hết sức tự nhiên của con người. Lớp trí thức trẻ đã có một niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng, hơn nữa ngày đó chắc chắn sẽ đến rất nhanh, và họ sẽ có cơ hội trở về quê hương. à Sự ra đi đầu không ngoảnh lại không chứa đựng sự cô đơn, tuyệt vọng của sự ra đi trong Tống biệt hành (ra đi không mong ngày gặp lại) mà nó chứa chan niềm tin vào 1 ngày mai tươi sáng. Chỉ trong 1 hình ảnh ấy, Nguyễn Đình Thi đã tạo ra 1 niềm tin thật mãnh liệt.

- Mùa thu chiến khu hôm nay

Và niềm tin đó đã được chứng minh bằng hiện thực CM sống động. Hoà bình trở lại và những người con nay lại trở về. Cảnh sắc thiên nhiên đất nước thật tươi vui, sáng mát, như trẻ lại, như hồi sinh. Nếu mùa thu hồi trước xao xác gió hơi may buồn thì mùa thu nay gió đã chuyển mình thành cơn gió thổi rừng tre phấp phới, một cơn gió thu phóng khoáng và mạnh mẽ tưởng như chưa từng có trong thơ ca Việt Nam trước đây. Nếu năm xưa lá rơi đầy thềm nắng phố Hà Nội thì nay cả bầu trời thu Việt Bắc xanh biếc tươi vui

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi 

Gió thổi rừng tre phấp phới

Niềm vui lan toả đất trời, náo nức cây cỏ và tràn ngập lòng người, nồng ấm và rộn rã niềm vui. 

Hình ảnh rừng tre ở đây biểu hiện cho người Việt Nam. Thường hình ảnh cây tre không gắn với núi đồi, tác giả viết như vậy nhằm thể hiện cái tự do, cái mênh mông bát ngát trong tâm hồn người Việt Nam, và phấp phới làm ta liên tưởng đến những ngọn cờ, những ngọn cờ khởi nghĩa tung bay trong hoà bình. Cấu trúc độc đáo: tính từ vui chen giữa 2 động từ đứng nghe làm ta cảm giác trong mọi hành động của con người đều tràn ngập niềm vui sướng, hồ hởi, rộn rã.

Nhà thơ lắng tâm hồn để cảm nhận niềm vui từ làn gió thu trong mát, sắc trời thu xanh biếc

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Không chỉ mùa thu trong biếc mà chính cái hiện thực ấy, chính cái cuộc sống mới ấy thật đẹp, thật trong suốt. Và con người trong cuộc sống ấy đang tự do nói cười thiết tha trong nỗi vui mừng quê hương vừa được giải phóng.

2. Niềm vui làm chủ đất nước

Màu xanh Đất trời của chúng ta

Trong niềm tự hào dâng trào, say đắm, đất nước dường như trải rộng, nơi nào cũng đẹp, cũng phì nhiêu, cũng màu mỡ. Trong bản hoà ca lung linh, những điệp khúc dữ dội xuất hiện:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát 

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nhịp thơ cuồn cuộn mãnh liệt khác hẳn sự tinh tế ở những khổ đầu. Hình ảnh nối tiếp hình ảnh, nhạc điệu rộn ràng, âm hưởng khoáng đạt, lời thơ trải dài như vô tận. Vẻ đẹp đất nước bao la bát ngát, như hư như thực dường như vượt khỏi tầm tay con người nhỏ bé. 

Từ những liên tục lập lại làm cho khổ thơ khoẻ khoắn và có tính khái quát cao, một sự khẳng định rõ ràng và có chủ ý: tất cả vẻ đẹp ấy là của chúng ta. Điệp khúc của chúng ta như vang vọng mãi trong không gian, trong tâm thức mỗi người dân xứ sở. Tư thế của con người lúc này là thế đứng ngẩng cao đầu của con người sau bao năm chiến đấu gian khổ mới giành được quyền làm chủ đất nước. Tất cả những núi rừng, cánh đồng, ngả đường, dòng sông phù sa trở nên thật đẹp đẽ, đáng yêu mến lạ thường, vì đó là cùa chúng ta, là thuộc về chúng ta. 

3. Niềm tự hào về truyền thống bất khuất

Thế nhưng sự khẳng định của chúng ta ấy không chỉ bắt đầu từ những cuộc chiến tranh giữ nước thời hiện đại mà trải dài trong suốt chiều dài lịch sử

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Truyền thống ấy, ánh sáng lịch sử ấy, với hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm tạo thành 1 chuỗi dài liên tục, vang vọng hồn thiêng sông núi, minh chứng cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Trong mỗi tâm hồn con người hiện đại, sự bất khuất, can trường của biết bao thế hệ cha ông đi trước nói riêng và của cả dân tộc nói chung sẽ luôn toả sáng và luôn rì rầm nhắc nhở con người ấy phải sống xứng đáng với Tổ quốc của mình, với dân tộc cùa mình, một dân tộc với những con người kiên cường chưa bao giờ khuất và sẽ mãi mãi không bao giờ khuất phục trước thế lực ngoại xâm. Niềm tự hào vang vọng cả không gian và thời gian. 

Nếu như để ý, ta sẽ bắt gặp một nốt trầm màu đỏ đậm của những dòng sông đỏ nặng phù sa báo trước 1 đoạn thơ trầm lắng xuống rất sâu để sau đó là những tiếng rì rầm của cung đàn đất nước vọng về từ ngàn xưa. Trong cái âm thanh chắt lọc tinh tế của từ rì rầm hình như có cả tiếng động trầm trong mạch ngầm dân tộc vẫn không ngừng nghỉ từ cái thuở Côn Sơn suối chảy rì rầm trong thơ Ức Trai vốn đã rất xa xưa. Phải chăng dòng chảy ngầm bất tử ấy vẫn rì rầm từ quá khứ, chảy thành lời trong tiếng đất lặng thầm nhắc nhở chúng ta về những niềm đau khổ, sướng vui của cha ông: nhắc nhở chúng ta những khát vọng tương lai?... (Lí Hải Bằng, THPT Chuyên LHP – Sách Luyện Văn, NXBĐHQG TPHCM, trang 212)

* Hình ảnh đất nước đau thương, gian khổ mà bất khuất, hào hùng: Đất nước trong kháng chiến và chiến thắng

1. Đất nước đau thương & nhân dân vùng lên chiến đấu

Ôi những cánh đồng quê chảy máu 

Dây thép gai đăm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

Những hình ảnh chảy máu, đâm nát của lòng căm thù nối tiếp 2 tính từ mãnh liệt của tình yêu nung nấu, bồn chồn có thể gây ngạc nhiên cho người đọc. Nhưng thực ra ở đây các hình ảnh thơ gọi nhau rất hợp lý. Vì lòng căm thù giặc, vì sự đau đớn, xót xa khi nhìn thấy quê hương bị giày xéo, vì nghĩa vụ thiêng liêng giải phóng đất nước mà người lính đã lên đường, bò lại những mối tình chờ đợi. Thế nhưng hình ảnh mắt người yêu vẫn sáng trong tim họ. Đó không đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà mắt người yêu ở đây tượng trưng cho tất cả những gì yêu quý ở phía hậu phương, không chỉ là mắt của 1 người con gái, người yêu ấy chính là quê hương đã bị giặc Pháp giày xéo. 

Hàng dào dây thép gai

Hình ảnh quê hương vừa cụ thể, vừa khái quát, với những hình ảnh và đường nét tương phản. Ráng chiều đỏ rực đổ xuống cánh đồng quê trông như cánh đồng đang chảy máu – kẻ thù đã làm đổ bao nhiêu máu của người dân vô tội trên khắp các miền quê. Nơi phía chân trời xa, những đồn bốt giặc với những lô cốt trải dài trên mảnh đất quê hương, những dây thép gai giăng đầy, tua tủa làm cho chân trời bị xé nát, nham nhở, tưởng chừng như đang đâm nát cả bầu trời quê hương. à Biện pháp nhân hoá và phép liên tưởng độc đáo gây ấn tượng nhức nhối, căm giận về tội ác của giặc.

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn

Những câu thơ vừa giản dị, dễ hiểu, vừa hùng hồn, sâu sắc đã khái quát một sự chuyển biến mang tính quy luật: khi giặc tàn phá quê hương thì những người nông dân hiền lành chất phác quanh năm gói gọn cuộc sống của mình sau những luỹ tre xanh cũng sẽ đứng lên, góp tay vào chiến đấu. Tội ác của giặc quá lớn khiến cho những con người hồn hậu, căm ghét chiến tranh ấy nay đã phải bật lên những tiếng căm hờn, đã phải cầm súng mà chiến đấu, quyết giữ từng tấc đất quê hương.

Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo 1 bài thơ hết sức đặc biệt khi cảm xúc trong bài thơ không chảy theo 1 nhịp thống nhất mà liên tục biến đổi. Ta biết rằng: thơ 7 chữ thì biểu lộ cảm xúc cá nhân, thơ 5 chữ thì cảm xúc mỏng hơn và thiên về nhịp điệu, thơ 6 chữ thì được sử dụng nhẳm khẳng định 1 ý tưởng. Trong bài thơ này, thơ 6 chữ được tác giả sử dụng đạt hiệu quả rất cao.

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ đứa lột da

Ngôn ngữ giản dị như khẩu ngữ truyền tải nội dung căm hận sâu sắc, cực tả sự áp bức bóc lột dã man đến tận xương tuỷ của bọn giặc xâm lược cùng bọn địa chủ tay sai đang thống trị từng ngày trên nước mắt, mồ hôi của nhân dân. Cắt ngắt nhịp (2 câu đầu là 2/2/2, 2 câu sau là 3/3) thể hiện sự đau uất, căm hờn.

Xiềng xích chúng bay không khoá được 

Trời đầy chim và đất đầy hoa 

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Chúng còn muốn tước đoạt cuộc sống tự do và lòng yêu nước trong mỗi con người. Chúng những tưởng sẽ tước đoạt được tất cả những thứ ấy bằng đàn áp, bóc lột, bằng xiềng xích nô lệ, bằng súng đạn bạo tàn. Thế nhưng chúng không ngờ rằng cái vẻ đẹp thanh bình đầy chim và đầy hoa của xứ sở thiêng liêng này có một sức sống mãnh liệt không gì có thể ngăn cản. Xiềng xích cùng súng đạn đen tối không những không khoá được, không bắn được trong sự phủ định tuyệt đối mà còn làm nền cho vẻ đẹp xứ sở. Người ta cảm thấy sự mãnh liệt, sự tự do của dân tộc vươn lên khỏi mọi áp bức, mọi đe doạ của quân thù. Chim vẫn hót những bài ca của chim, hoa vẫn ngát những làn hương của hoa và con người vẫn yêu quê hương đất nước bằng tình yêu của chính trái tim mình.

Nỗi đau đớn xót xa hoà lẫn lòng căm thù ngùn ngụt khiến đoạn thơ có sức truyền tải và tố cáo mãnh liệt, lột tả rõ nét nguyên nhân cho sức mạnh vùng lên của dân tộc.

Khói nhà máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

Hình ảnh độc đáo, sáng tạo thể hiện không khí sôi động, sùng sục của nhân dân trong kháng chiến. Núi rừng trước kia chỉ có sương núi, nay đã thấy khói nhà máy cuộn không gian, cánh đồng trước kia chỉ có tiếng mõ nay đã nghe văng vẳng những tiếng kèn gọi quân. Hai hình ảnh sóng đôi rất ý nghĩa: một xây dựng đất nước ở miền Bắc, một bảo vệ đất nước ở miền Nam. 2 miền đất nước dẫu bị ngăn cách nhưng dường như vẫn đang cùng 1 nhịp thở. 

Cảm xúc tác giả có lẽ khá bao quát, bề bộn, nhưng khi đặt mình vào giai đoạn lịch sử khi ấy chúng ta mới có thể hiểu hết sự bề bộn và quá nhiều cảm xúc của bài thơ. Thời điểm đó miền Bắc vừa giải phóng, đất nước có 2 nhiệm vụ lớn: đánh đuổi kẻ thù ở miền Nam và xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc. Lúc đó có bao nhiêu việc phải làm cho 1 đời sống còn non trẻ. Người nghệ sĩ cũng nằm trong hơi thở lớn ấy của xã hội và 1 bài thơ có cảm hứng đất nước không thể không biểu hiện cái hơi thở bề bộn ấy. 

Nhưng cái cảm xúc quan trọng mà tác giả muốn chúng ta cảm nhận được là: cái vẻ đẹp quê hương, vẻ đẹp của những người áo vải chỉ bằng tình yêu quê hương là có thể đứng lên thành những anh hùng

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

Tình yêu quê hương chính là phép mầu để biến những người áo vải thành những anh hùng, biến cái vẻ đẹp mờ ảo của thiên nhiên thành vẻ đẹp thực của cuộc sống con người, biến những đau thương thành những bản hùng ca bất tận.

Cái phép mầu ấy đã khiến cho những người con áo vải không ngại gian khổ, không ngại hi sinh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Nơi vùng núi Thượng Lào với ban ngày nắng như thiêu đốt và đêm đến lại những cơn mưa ào ào như thác đổ, thiên nhiên khắc nghiệt dễ sinh bệnh tật đau ốm, nhưng người lính đã vượt qua tất cả những gian khổ đó. 

Chính là cái phép mầu tình yêu quê hương đó đã thôi thúc họ ra chiến trường, dù biết rằng sẽ có hi sinh, sẽ có mất mát. Tình yêu ấy thật mạnh mẽ và quyết liệt, tình yêu mầu nhiệm ấy không thụ động, chung chung mà luôn sống động, cụ thể với những công việc thực sự. Họ sẵn sàng hi sinh vì họ tin rằng sự hi sinh ấy sẽ góp phần mang lại cuộc sống mới cho quê hương, cho dân tộc. Con tim họ sáng ngời niềm lạc quan chiến thắng, niềm tin vững chắc vào tương lai huy hoàng của đất nước.

Từ thưở Hùng Vương dựng nước, dân tộc ta chẳng mấy chốc được bình yên. Hơn một ngàn năm giặc phương Bắc kéo xuống, hung hãn bạo tàn. Hơn một ngàn năm, đến cả những em bé nằm mơ ngựa sắt hoá thân thành những người anh hùng. Đó là những con người:

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới 

Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Cháy rực, bát ngát, trời đất mới, bình minh... là những hình ảnh kỳ diệu mà quê hương họ sẽ đến và phải đến. Nơi ấy có tự do, có niềm vui, có những cánh đồng bát ngát, có những dòng sông đỏ nặng phù sa, nơi ấy là nơi con người tự do yêu thương và sống bên nhau. Tất cả những khát vọng ấy nung đốt con tim những người lính. Và trong trái tim đơn sơ của mình, người lính cũng tự hiểu được rằng: nếu cần phải hi sinh cho những điều ấy, họ sẽ ngay lập tức hiến dâng cuộc sống của mình cho Tổ quốc.

Hình ảnh của quê hương kháng chiến đã tạo nên cho tác giả những cảm hứng trong sáng, mạnh mẽ và chính sức mạnh của làng quê kháng chiến thực sự đã đem lại niềm tin có thể chặn đứng được những âm mưu, tội ác của kẻ thù. 

Cảm hứng chung của bài thơ vận động và phát triển theo hướng đi lên của cuộc kháng chiến rất gian khổ và ngày càng giành được nhiều thắng lợi. 

2. Đất nước vinh quang

Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Nguyễn Đình Thi đã lấy chất liệu miêu tả trực tiếp tại chiến trường Điện Biên, khi hàng trăm cỗ pháp của ta kéo vào trận địa, trong tiếng súng nổ rung trời: “Tôi trông thấy các anh mình mẩy đầy bùn, nhưng khi nhảy lên trên mặt đất, các anh hiện ra chói loà trong ánh nắng...” 

Người lên như nước vỡ bờ – câu thơ ngắn gọn khẳng định sức mạnh của quân đội ta, của quần chúng cách mạng khi mà những đoàn dân công tới tấp đến chiến trường và bộ đội ào đi vào chiến dịch. 

“Chiến dịch Điện Biên Phủ vào đầu mùa hè đã có những cơn mưa rào. Đất đá do bom đạn cày, xới lên gặp nước làm cho việc đi lại ở các giao thông hào rất vất vả. Những người lính trẻ với những gương mặt rất tươi sáng nhiều khi cũng lấm lem bùn đất. Họ đi lại với tinh thần xông pha hăng hái, thỉnh thoảng trên gương mặt lại nhoẻn ra một nụ cười. Tôi đã liên tưởng hình ảnh đó với hình ảnh đất nước ...” – Nguyễn Đình Thi (4/1998)

Âm thanh, nhạc điệu nhịp nhàng từ đầu bài thơ hầu như không còn, chỉ là những chữ cô lại, gọn chắc, cân đối và đĩnh đạc trong những câu thơ sáu chữ. Đây là 1 sự đột phá vế nghệ thuật khi những vần điệu bị tước bỏ, các chữ gói gọn, hình ảnh mạnh mẽ, mọi ánh sáng tập trung để làm sáng loà cuộc đấu tranh hùng tráng của dân tộc.

Khổ thơ 6 cuối cùng như một bản tổng kết, một lời tuyên bố của xứ sở. Khổ thơ kết hợp chiều cao của ý chí, chiều sâu của tình yêu, chiều rộng của sự đoàn kết, và chiều dài lịch sử cùng những âm thanh dữ dội chuyển từ trạng thái căm hờn, chiến đấu cho đến bản hoà ca chiến thắng. Một khổ thơ đầy âm thanh dữ dội, đầy các động từ mạnh dựng nên một Việt Nam sáng loà.

Hình ảnh Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dây sáng loà như một viên ngọc quý toả sáng, một tượng đài kì vĩ và liên kết lại toàn bộ cảm xúc của bài thơ. Như bông sen vươn dậy từ bùn lầy, từ tăm tối, đói nghèo, mất mát, dân tộc Việt Nam đứng lên chiến đấu và chiến thắng. 

Đất nước giống như một con người, đã thẳng tiến đến chân lý cao đẹp nhất của mình. Con người-đất nước ấy đã truyền sức mạnh và ý chí cho biết bao thế hệ những đứa con áo vải của mình để mãi mãi ngời sáng trong những trang sử đẫm đầy máu và nước mắt mà kiên cường, bất khuất, mà vinh quang muôn đời. 

III. KẾT LUẬN

Đất nước có chất trữ tình bay bổng, chất chính luận sâu sắc qua nghệ thuật diễn đạt tài hoa của Nguyễn Đình Thi, với ngôn ngữ giàu hình ảnh gợi cảm, lời thơ giàu âm điệu, giọng thơ thay đổi, có lúc sôi nổi rạo rực, có lúc lắng đọng suy tư.

Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi được khái quát từ những hình ảnh thật thân thương, từ những cung bậc thiết tha của cung đàn tình cảm dân tộc. Đất nước giúp ta có cái nhìn về quê hương đất nước hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn và tinh tế hơn.

Nhà thơ không chỉ diễn tả hiện thực, mà còn diễn tả mơ ước, bởi thơ ca bao giờ cũng nói đến cái xảy ra và cái có thể xảy ra. Bằng cái đẹp, thơ nâng cao con người lên. 

Nguyễn Đình Thi làm thơ như một nhà văn hiện thực nghiêm ngặt. Ngay cả những phút lãng mạn trong thơ anh cũng có chất liệu thật bên trong. Song, chất liệu thật của đời sống không bị trơ, khô cứng mà đều lấp lánh cảm xúc, ánh lên trong trí tuệ và đều nâng lên tầm khái quát. 

Leave a Reply