Phân tích đoạn cuối cùng của vở kịch (Cảnh VII và đoạn kết) Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

HƯỚNG DẪN

1. Tóm tắt diễn biến của tình huống kịch trong đoạn trích

Đoạn trích thể hiện xung đột cơ bản của vở kịch (giữa linh hồn và thân xác) lên đến đỉnh điểm: Sau mấy tháng, hồn ông Trương Ba ngụ trong thân xác anh hàng thịt, nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ đối với vợ, con, cháu của mình cũng như bạn bè. Hồn Trương Ba tự thấy chán chính mình. Tình trạng bi kịch này diễn biến qua các bước sau:

- Hồn Trương Ba cảm thấy không thể tiếp tục sống trong tình trạng này nữa, muốn tách khỏi thân xác anh hàng thịt thô lỗ.

- Cuộc đối thoại giữa hồn và xác càng khiến hồn Trương Ba đau khổ, tuyệt vọng vì phải chịu sự lấn lướt của thân xác.

Phân tích đoạn cuối cùng của vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

- Thái độ của những người thân trong gia đình chê trách, xa lánh khiến hồn Trương Ba càng hoang mang, bế tắc để sớm đi đến quyết định giải thoát.

- Cuộc gặp gỡ với tiên Đế Thích và quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba là khước từ cuộc sống không phải là mình, chấm dứt: tình trạng trớ trêu “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, trả lại thân xác cho anh hàng thịt, xin cho cu Tị được sống.

2. Tình cảnh trớ trêu khi hồn Trương Ba ngụ trong thân xác anh hàng thịt

- Con người là một thực thể thống nhất có sự hài hoà giữa tâm hồn và thể xác. Tình huống bi kịch mà nhân vật hồn Trương Ba lâm vào đó là tâm hồn thanh cao của ông phải ẩn trong một thân xác phàm tục của anh hàng thịt.

- Đoạn trích dựng lên cuộc “đối thoại giữa hồn và xác” tưởng tượng có tính ẩn dụ là đoạn kịch sinh động giàu ý nghĩa triết lí. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt được miêu tả như là cuộc đấu tranh giữa hai mặt tích cực và tiêu cực giữa phần bản năng và lí trí trong bản thể mỗi người. Cái “lí lẽ... thật ti tiện” của xác anh hàng thịt ẩn chứa trong đó một hạt nhân hợp lí, một sự thực mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hàm ý phê phán, đó là “trò chơi tâm hồn” của người đời: “Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết... Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi để ông được thanh thản... Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện!”. Tác giả còn mạnh dạn trong cả việc phê phán một quan niệm, một thái độ từng tồn tại trong một thời gian nhất định, cũng tư lợi của nhân vật xác anh hàng thịt: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...”.

Lưu Quang Vũ phê phán sự thoái hoá, tha hoá trong mỗi con người, thái độ thiếu quan tâm đến cuộc sống vật chất thường nhật, chính đáng của con người cũng là để nhằm khẳng định một quan niệm về bản luật hài hoà, về nhu cầu chính đáng của con người trong cuộc sống bình thường.

- Cái “hạt nhân hợp lí” trong lí lẽ của anh hàng thịt mà hồn Trương Ba cho là “thật ti tiện”, trớ trêu thay như đã nói trên, là tình huống bi kịch mà hồn Trương Ba đang gặp, đang lâm vào. Bởi linh hồn Trương Ba không ăn nhập với thể xác anh hàng thịt nên chỉ mới mấy tháng ngụ trong thân xác lạ mà hồn Trương Ba đã đổi khác. Ông không còn là “ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”, không “còn biết đến ai nữa” - như lời vợ ông trách móc. Cái Gái, cháu nội ông, cũng không còn nhận ra ông vì ông đã trở nên thô lỗ, phũ phàng lúc ông chiết cây cam, “bàn tay... của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm”, “ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý.

Tình cảnh trớ trêu khi hồn Trương Ba ngụ trong thân xác anh hàng thịt

Ngay cả cô con dâu ngày trước vốn rất hiểu và thương ông cũng buộc lòng phải nói thật: "... làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?”. Chính bản thân hồn Trương Ba cũng đau khổ nhận ra tình trạng đó. Lời độc thoại nội tâm của nhân vật hồn Trương Ba sau ba cuộc đối thoại với ba người thân (vợ, cháu nội, con dâu) hé lộ cho người đọc thấy sự quyết tâm của ông là: không khuất phục trước thể xác, không thể “tự đánh mất mình!”.

3. Hồn Trương Ba quyết định giải thoát mình khỏi tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

- Hành động hồn Trương Ba “đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà lấy một nén hương châm lửa, thắp lên”... là hành động đánh dấu một sự chuyển biến có tính bước ngoặt trong tư tưởng của nhân vật này, là đỉnh điểm của xung đột kịch đòi hỏi cần được giải quyết. Bởi thế các lời thoại với tiên Đế Thích vừa biểu lộ nhận thức thấm thía về tình trạng bi hài kịch, vừa chứng tỏ quyết tâm tự giải thoát của nhân vật hồn Trương Ba. Trong các lời thoại của nhân vật này, cần chú ý hai câu sau: (1) “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”; (2) “sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt, ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Đây cũng là đoạn kịch bộc lộ những quan niệm của Lưu Quang Vũ về sự sống và cái chết, những khao khát của nhà viết kịch để mỗi người được là mình trọn vẹn, được sống cuộc sống của con người với nghĩa đầy đủ nhất của từ này.

- Nhưng hồn Trương Ba đâu có được toại nguyện ngay. Tiên Đế Thích vốn yêu quý Trương Ba vì tài đánh cờ, vẫn muốn hồn Trương Ba “phải sống dù với bất cứ giá nào”. Nhân cái chết của cu Tị, tiên Đế Thích bèn nghĩ ra một cách sẽ cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Hồn Trương Ba lại đứng trước một thử thách - một sự lựa chọn cuối cùng trước lúc đối mặt với cái chết vĩnh viễn: Nhập vào xác cu Tị, một cậu bé 10 tuổi, bạn của cái Gái - cháu nội ông, một đứa bé ngoan mà ông cũng rất yêu quý. Hồn Trương Ba quyết không để tiên Đế Thích tái diễn sai lầm một lần nữa. Ông nói với Đế Thích: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn...”.

Hồn Trương Ba quyết định giải thoát mình

Sự việc cu Tị chết dường như làm cho hành động kịch tiến triển nhanh hơn, đến chỗ “mở nút”. Quyết định dứt khoát qua hành động bẻ gãy cả bó hương, xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp logic: Nó được manh nha chuẩn bị từ khi nhân vật tự ý thức được tình trạng bi hài kịch của hoàn cảnh trớ trêu khi “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, nó cần đưa ra giải pháp kịp thời do cái chết của cu Tị. Dựng tả quá trình hồn Trương Ba đi đến sự lựa chọn sáng suốt cuối cùng một cách tất yếu, hợp lí, tự nhiên như vậy, Lưu Quang Vũ đã chứng tỏ cho người đọc thấy tài năng xử lí tình huống của ông; đồng thời, giúp người đọc nhận thức được Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, có lòng tự trọng, đặc biệt ý thức được ý nghĩa của cuộc sống.

4. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại của Lưu Quang Vũ qua đoạn trích

- Như đã nói, Lưu Quang Vũ sáng tác vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy nghĩ về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một sối tiêu cực trong lối sống đương thời. Nhưng tài năng sáng tạo của nhà viết kịch là ở chỗ đưa các nhân vật trong truyện dân gian ấy vào một tình huống bi hài kịch để chúng đối thoại với nhau, tự đấu tranh với mình và với hoàn cảnh để mỗi nhân vật bộc lộ đến tận cùng cách sống, quan niệm sống, qua đó, tác giả khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Cảnh hồn Trương Ba tách khỏi thể xác anh hàng thịt và cuộc đối thoại giữa hồn và xác, cảnh gặp tiên Đế Thích lần cuối để đi đến quyết định dứt khoát chấp nhận cái chết vĩnh viễn là những cảnh được Lưu Quang Vũ dụng công nghệ thuật để gửi gắm một triết lí sâu sắc về lẽ sống, về thân phận con người: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được; Nếu sống vay mượn, sống chắp vá thiếu nhân cách, tâm hồn nghèo nàn hoặc không có sự hài hoà giữa vẻ đẹp tâm hồn và nhu cầu vật chát thì con người chỉ gặp bi kịch mà thôi; Con người chỉ thực sự hạnh phúc, cuộc sống chỉ có giá trị khi họ được sống tự nhiên trong một thể thống nhất hài hoà.

- Qua đoạn trích này, người đọc nhận thấy hành động của nhân vật hồn Trương Ba hết sức phù hợp với hoàn cảnh trớ trêu mà ông ta đang lâm vào một cách bi hài kịch; lời nói của nhân vật này, độc thoại nội tâm (trong lớp đối thoại giữa hồn và xác) rất phù hợp với tính cách của nhân vật Trương Ba đã bị “biến dạng” sau một thời gian ngụ trong thân xác anh hàng thịt, đồng thời nó góp phần thúc đẩy bước phát triển của xung đột kịch đến chỗ cần giải quyết.

Leave a Reply