Phân tích và trình bày suy nghĩ riêng của anh (chị) về đoạn thơ trích trong bài Tây Tiến của Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc... Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2013, tr.89)

Phân tích và trình bày suy nghĩ riêng của anh (chị) về đoạn thơ trích trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Ilà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2013, tr.89)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu chung

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ; bỗ cục rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Làm rõ vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến đã được Quang Dũng thể hiện rõ nét trong đoạn thơ.

- Nắm vững kiến thức cơ bản về đoạn thơ gắn với yêu cầu nội dung của đề, huy động hợp lí kiến thức có liên quan (tác giả, tác phẩm, các sáng tác cùng đề tài...)

2. Yêu cầu cụ thể

Có thể trình bày, diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng BÀI LÀM cần đảm bảo các ý chính sau:

a. Giới thiệu chung

- Quang Dũng là một trong những nhà thơ nổi bật trong thơ ca thời kháng chiến chống Pháp với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Hai nguồn mạch cảm hứng quan trọng trong thơ Quang Dũng chính là xứ Đoài - quê hương yêu dấu và người lính Tây Tiến - đơn vị quân đội mà nhà thơ từng tham gia.

“Tây Tiến” là bài thơ nổi tiếng nhất của Quang Dũng

“Tây Tiến” là bài thơ nổi tiếng nhất của Quang Dũng, sáng tác năm 1948, ghi lại những kỉ niệm của nhà thơ về đoàn quân Tây Tiến. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến vừa hào hùng lại rất đỗi hào hoa.

- Đoạn thơ thứ ba trong bài thơ, sau hai đoạn thơ đầu tái hiện khung cảnh miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa duyên dáng, mĩ lệ đã tập trung thể hiện vẻ đẹp của người lính Tây Tiến trong nỗi nhớ của nhà thơ. Doạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng.

b. Vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ

- Hình tượng người lính Tây Tiến thể hiện trong đoạn thơ mang vẻ đẹp vừa hào hùng vừa hào hoa:

+ Các chi tiết giàu chất tả thực “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, gợi lên những khó khăn, gian khổ, những căn bệnh hiểm nghèo và cả sự hi sinh lớn lao của người lính Tây Tiên (so sánh với thơ Chính Hữu: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh! Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”, thơ Tố Hữu: “Giọt mồ hôi rơi! - Trên má anh vàng nghệ”,...).

Tuy nhiên, tất cả những điều đó được Quang Dũng miêu tả bằng một cái nhìn đậm màu sắc lãng mạn. Chi tiết “dữ oai hùm” cho thấy hình tượng người lính Tây Tiên toát lên vẻ đẹp oai phong, dũng mãnh, đầy nhuệ khí. Họ dù có xanh xao bởi bệnh tật hành hạ, mệt mỏi vì thiếu thôn, do những chặng hành quân gian khổ, ... nhưng không hề yếu đuối, ủy mị.

+ Chi tiết “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới! Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” lại khắc họa vẻ đẹp tâm hồn mang màu sắc lãng mạn hào hoa của người lính Tây Tiến. Họ phần đông là những thanh niên, trí thức Hà Nội tự nguyện “xếp bút nghiên theo việc binh đao” sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nhưng vẫn giữ vẹn nguyên trong mình nét hào hoa của người Tràng An, tâm hồn rạo rực khát khao yêu thương của tuổi trẻ (liên hệ câu thơ thể hiện nỗi nhớ của người lính vệ quốc trong “Nhớ” của Hồng Nguyên; “Đồng chí” của Chính Hữu; “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi).

+ Bốn câu thơ thể hiện cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về hình tượng người lính Tây Tiến: vừa oai phong, lẫm liệt, kiên cường vừa hào hoa, tâm hồn tràn ngập những tình cảm lãng mạn. Họ là những con người đích thực chứ không phải là những “người khổng lồ không tim”.

Vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến

- Hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên trong đoạn thơ mang vẻ đẹp đậm chất bi tráng qua các chi tiết nói về cái chết, sự hi sinh của những người lính:

+ Hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ nơi núi rừng hoang biên giới được giảm nhẹ đi nhờ các từ Hán Việt cố kính, trang trọng: biên cương, viễn xứ.

+ Chất bi thương bị mờ đi bởi liền ngay sau dòng thơ đậm chất hiện thực nói về cái chết là dòng thơ giàu chất sử thi, mang phong cách khẩu ngữ thể hiện lí tưởng xả thân quên mình của người lính Tây Tiến: tự nguyện, kiên quyết hi sinh quãng đời thanh xuân đẹp nhất của mình cho Tổ quốc, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng (so sánh với hình tượng người anh hùng thời xưa).

+ Chất bi thương còn được vợi đi nhờ các từ ngữ Hán Việt “áo bào”, “khúc độc hành”, nhờ cách nói tránh: “về đất”. Nhà thơ không hề che giấu sự thật bi thảm về cái chết của những người lính Tây Tiến: Họ gục ngã bên đường không có đến cả manh chiếu che thân nhưng qua cái nhìn của nhà thơ, sự hi sinh ấy không bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng. Hình ảnh “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” như một khúc ca đưa tiễn những người lính hi sinh về với đất Mẹ thân yêu, đồng thời thể hiện tình cảm tiếc thương vô hạn, thái độ kính cẩn nghiêng mình của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.

+ Hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ được khắc họa bằng bút pháp lãng mạn, sử thi. Đó là những con người mang vẻ đẹp cao cả, sẵn sàng xả thân, hi sinh vì lí tưởng sống cao đẹp. Nhà thơ sử dụng triệt để thủ pháp đối lập để tô đậm cái phi thường trong hình tượng người lính Tây Tiến.

c. Đánh giá

- Đoạn thơ cũng như bài thơ Tây Tiến đã góp phần làm phong phú thêm cho thơ ca viết về hình tượng người lính trong văn học Việt Nam. Khác với người lính xuất thân từ nông dân hết sưc mộc mạc, chân tình trong thơ Chính Hữu, người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp vừa hào hùng lại vừa hào hoa, đậm chất bi tráng.

- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng: phóng khoáng, lãng mạn, hào hoa.

Leave a Reply