Văn nghị luận - Nút like ảo, hậu quả thật

Có thể nói mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của con người, nhất là giới trẻ. Vấn đề là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để nó trở thành công cụ hữu ích, phục vụ cho nhu cầu của con người. Ngược lại, nó sẽ mang đến những hậu quả không lường hết được như rất nhiều vụ đã xảy ra trong thời gian qua.

Nút like ảo, hậu quả thật

Với trào lưu “đủ like là làm” cho thấy lối sống ảo của một bộ phận giới trẻ. Họ có nhu cầu muốn khẳng định bản thân nhưng không đủ tài năng, trí tuệ, tri thức, sáng tạo... để có thể nổi tiếng. Vì thế, họ chọn trò chơi “câu like”, cho dù là điên rồ, phản cảm, lố bịch thì cũng là... nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Suy nghĩ này thật sự nguy hiểm và nếu gia đình, nhà trường, các đoàn thể thiếu quan tâm, đứng ngoài cuộc thì nhiều bạn trẻ sẽ bị lệch lạc về hành vi, tâm lí, thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Còn về đám đông nhiệt tình like, có thể vì tò mò, vì ghét những lời tuyên bố ngông cuồng và hơn nữa, họ không chịu sự ràng buộc hoặc liên lụy gì nên dễ dàng bấm nút like. Tuy nhiên, một khi sự hiếu kì được đẩy lên cao sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường như: làm mất an ninh trật tự xã hội, đẩy người khác vào tình huống nguy hiểm mà điển hình nhất là vụ việc nữ sinh bị thúc ép đốt trường vì câu like đến mức đôi chân bị phỏng, tâm lí hoang mang và gặp nhiều rắc rối khác về mặt pháp luật...

Thiết nghĩ nút like dù ảo nhưng hậu quả là thật, đôi khi rất nghiêm trọng. Đã đến lúc cần tuyên truyền và có những biện pháp chế tài đủ mạnh để người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm với từng lần nhấn nút like, share hoặc comment. Chỉ như vậy thì mới mong chấm dứt được những trò gây sốc vô bổ, những trào lưu đang hủy hoại giới trẻ kiểu như “đủ like là làm”.

Leave a Reply