Văn nghị luận - Lòng khiêm tốn là chìa khóa của hạnh phúc

Cuộc sống của mỗi người, dù ở lứa tuổi nào, đều nhằm mục đích mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Và trong việc này, sức khỏe, sắc đẹp, bằng cấp, tiền tài, quyền lực và danh vọng chỉ là phương tiện, nghĩa điều kiện cần chứ chưa đủ, bởi vì hạnh phúc xuất phát từ cái tâm con người.

Lòng khiêm tốn là chìa khóa của hạnh phúc

Hạnh phúc là thái độ tâm lí thoải mái trước những sự việc xảy ra cho mình, là cảm nhận bằng lòng với những gì mình đang có. Theo các nhà tâm lí, trong suốt cuộc đời mỗi người, hầu hết các sự việc (90%) không phải do bản thân mình chủ động gây nên, mà chỉ đón nhận. Vì thế thái độ đón nhận mới quan trọng để đem lại đau khổ hay hạnh phúc... thời bao cấp, lương thực còn khó khăn, vào dịp trước Tết, người viết đặt mua từ Chợ Đào, gạo nàng thơm đặc sản để làm quà cho bạn bè và người thân. Có người nhận quà đã mắng vốn thẳng thừng: Bộ nó tưởng tui đói sao cho gạo? Một biểu hiện rõ ràng của mặc cảm tự ti. Thay vì vui vẻ với món quà tình nghĩa để gia đình có nồi cơm trắng bốc thơm trong ngày đầu năm mới, người đó đã tự gây đau khổ cho mình và làm cho người khác mất vui, khi suy diễn kẻ cho có ý khinh khi mình.

Nhờ nhận thức đúng về giá trị thật của mình, người khiêm tốn thoát được mặc cảm tự tôn và tự ti vốn là nguyên nhân gây nên dằn vặt, đau khổ, vỡ mộng nơi người cao ngạo vì mình không được thừa nhận như mình tưởng. Nếu kẻ kiêu căng thường than phiền vì những điều không vừa ý thì người khiêm tốn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng thấy được ân nghĩa hay cơ hội để học hỏi. Vì thế lòng khiêm tốn giúp con người biết sống giản dị và chan hòa nên luôn cảm nhận được hạnh phúc trong tầm tay, ở từng giây phút hiện tại của cuộc đời. Chỉ cần biết mình mạnh khỏe cũng đủ hạnh phúc rồi, như dân gian thường nói: “Ăn được ngủ được là tiên”. Trong tình yêu và hôn nhân cũng vậy, người khiêm tốn biết bao dung và tôn trọng lẫn nhau làm cho mối giao ước giữa hai người được bền vững, bởi vì sự khinh thường là kẻ thù số một giết chết tình yêu. Và trong gia đình hạnh phúc, không có lí lẽ hơn thua mà chỉ có sự nhường nhịn và yêu thương.

Chứng kiến sự thành đạt của bạn bè, người thân, hàng xóm... thay vì đố kỵ ganh ghét, người khiêm tốn biết chia sẻ niềm vui, để cùng vui với kẻ vui. Và chi có lòng khiêm tốn mới giúp con người biết đồng cảm với nỗi đau của đồng loại trong thân phận làm người. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa hứa đem lại hạnh phúc cho người biết đồng cảm: “Hạnh phúc cho kẻ có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”.

Thử so sánh thái độ của người kiêu ngạo và kẻ khiêm tốn trước bệnh hoạn. Người kiêu căng che giấu bệnh của mình, thậm chí không muốn người thân gọi điện hay đến thăm hỏi. Trái lại người khiêm tốn đón nhận bệnh tật, kể cả cái chết với thái độ bằng lòng, thanh thản, hay nói theo nhà Phật, coi Sinh, Lão, Bệnh, Tử như qui luật tất yếu của cuộc sống.

Tóm lại, có thể nói hạnh phúc trên cõi đời này dường như chỉ dành cho người có lòng khiêm tốn.

Lòng khiêm tốn là điều kiện để thành công, trong phạm vi cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Dân gian có câu “thất bại là mẹ thành công”, vì nhờ rút được bài học kinh nghiệm để có thể thành công trong lần sau. Nhưng chỉ có người khiêm tốn mới nhìn nhận mình thất bại, còn kẻ kiêu ngạo thường cố chấp, đổ thừa cho người khác hay cho những điều kiện khách quan, chứ không chịu thừa nhận sự yếu kém của mình. Vì thế sự thất bại là hậu quả tất yếu của tính kiêu ngạo và khiêm tốn là đức tính không thể thiếu để thành công trên đường đời. Khiêm tốn cũng là đức tính của các bậc vĩ nhân từng cống hiến cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhân trận đại dịch hạch ở Hong Kong năm 1894, bác sĩ Yersin (1863 - 1943) khám phá trực khuẩn dịch hạch trong điều kiện khó khăn, phải lén dựng lều tranh trong nghĩa trang để nghiên cứu. Sau đó, một nhà bác học khác đã cướp công kết quả của ông. Yersin không màng danh vọng nên không hề lên tiếng đòi công lí, nhưng cuối cùng giới khoa học thế giới đã thừa nhận công trình của ông và trực khuẩn gây dịch hạch mang tên ông “Yersinia pestis”. Đúng như lời người xưa: “Chí nhân vô kỉ / Thần nhân vô công / Thánh nhân vô danh” (Trang Tử) (Chí nhân không xá mình, thần nhân không kể đến công mình, thánh nhân không màng đến tiếng tăm, tên tuổi).

Lòng khiêm tốn là điều kiện để thành công

Trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển số 3 - 4 (110 - 111) tháng 7 năm 2014 của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, trong bài “Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt”, tác giả Trần Văn Chánh nhắc đến câu nói của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”. Sau đó, ông nhận xét từ 60 năm nay, đọc khắp các sách biên khảo và giáo khoa, không đâu thấy có một chữ nào nêu tính xấu của người Việt, nước Việt. Ngay cả khi tái bản các tác phẩm cũ, nhà xuất bản cũng cắt bỏ hết những đoạn “nói xấu” về người Việt... Trái lại, chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí có nhà văn còn bịa tên tác giả nước ngoài viết cả cuốn sách ca ngợi hết lời “Người Việt cao quý”. Một hiện tượng văn hóa dường như chưa từng có trên thế giới.

Thiết nghĩ giấu diếm, che đậy những thói hư tật xấu và sự yếu kém của mình là “chuyện không tử tế”, thể hiện tính cao ngạo mà ngược lại cần khiêm tốn và trung thực nhận ra, rồi quyết tâm khắc phục chúng mới là điều kiện tiên quyết và thiết yếu để một dân tộc tiên bộ, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.

Kết luận: Lòng khiêm tốn cần được giáo dục từ trong gia đình và học đường.

Khi bạo lực xảy ra thường xuyên và tràn lan trong xã hội nhiều hơn lúc nào khác, thì chắc chắn phải có những nguyên nhân sâu xa mà những người có trách nhiệm điều hành đất nước không thể làm ngơ hay phân bua lấp liếm. Việc truy tìm nguyên nhân của hiện tượng bạo lực trên, xin nhường cho các nhà nghiên cứu tâm lí xã hội và lịch sử.

Ở đây chỉ xin đề cập đến phạm vi hạn hẹp mà vinh quang của công việc giáo dục con người trong gia đình và nhà trường.

Bạo lực dù dưới hình thức nào cũng đều xúc phạm đến phẩm giá con người, phát sinh từ thói cao ngạo đưa đến lòng tự ái, thù hận, đố kỵ, ganh ghét... Đặc biệt người sử dụng vũ lực gây tác hại đến thân thể kẻ khác thật ra là kẻ yếu thế, không còn biết lí lẽ và trở về với bản năng thú tính. Vì thế kiêu ngạo dù ở Đông phương hay Tây phương và trong bất cứ tôn giáo chân chính nào, đều được coi như đầu mối tội lỗi và là nguyên nhân khiến con người không thể hạnh phúc và thành công trên đường đời. Trái lại người khiêm tốn chẳng những biết tôn trọng đồng loại mà còn nỗ lực đem lại hạnh phúc cho người xung quanh, nhất là những người kém may mắn. Thái độ tôn trọng trẻ con, phụ nữ, kẻ già, người khuyết tật luôn được đánh giá như thước đo trình độ văn minh của một xã hội.

Điều đáng mừng là trong xã hội chúng ta ngày nay, hơn bao giờ hết cha mẹ lo cho con cái rất nhiều. Tiếc rằng các lo toan đó chỉ nhắm đến những điều phụ, kể cả mộng ước hão huyền con mình trở thành một Đặng Thái Sơn hay một Ngô Bảo Châu, mà quên đi cái chính yếu là làm sao cho con cái được sống hạnh phúc trên cõi đời này. Muốn được như vậy, trên hết mọi việc, cha mẹ trong gia đình và thầy cô ở nhà trường cần chú tâm dạy cho trẻ thành “người tử tế”, nghĩa là có lòng nhân hậu và khiêm tốn.

Bước đầu xin mạo muội đề nghị một giải pháp thật dễ dàng. Trong các giao tiếp, trước tiên ở gia đình và học đường, tập cho con em chúng ta thói quen nói với nhau, tùy hoàn cảnh tương ứng, ba từ đơn giản: Xin lỗi (Sorry, Pardon), Cảm ơn (Thank you, Merci) và Xin vui lòng (Please, S’il vous plait).

Mong lắm thay!

Leave a Reply