Quá trình tự giải phóng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (sách giáo khoa Ngữ văn 12) của nhà văn Tô Hoài

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Kiểu bài nghị luận văn học, yêu cầu phải phân tích được quá trình tự giải phóng của nhân vật Mị, qua đó, nhà văn đã phản ánh hiện thực đời sống của nhân dân lao động trong cuộc sống nô lệ, chống lại áp bức, đến với cách mạng bằng lòng khao khát sống, khao khát tự do. Đồng thời, cũng khẳng định tài năng của nhà văn đã mang lại sức sống cho tác phẩm này trong việc xây dựng nhân vật cũng như tạo được những tình huống độc đáo hấp dẫn, lối kể chuyện giản dị, ngôn ngữ chính xác, tinh tế...

Quá trình tự giải phóng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả: “Vợ chồng A Phủ” là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn Tô Hoài lên Tây Bắc trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Truyện ngắn này nằm trong số rất ít những tác phẩm của các nhà văn khác viết cùng thời còn sống lâu bền, không chỉ bởi nghệ thuật đặc sắc mà còn bởi nội dung phản ánh chân thực và sinh động về số phận những con người nô lệ, bằng lòng khao khát sống mãnh liệt, họ đã đến với cách mạng, đến với ánh sáng...

- Quá trình Mị trở thành món hàng gạt nợ, mặc dù là con dâu, nhưng thực sự là kiếp con ở không công, kiếp người nô lệ... vì nghèo khổ, vì sức mạnh của đồng tiền, bản chất thâm độc tàn nhẫn của tầng lớp thông trị và cả sức mạnh của thần quyền tàn khốc! Mị thành “con rùa nuôi trong xó cửa” với không gian của ngục thất tăm tối và ngột ngạt.

- Qua cảnh “Những đêm tình mùa xuân”, Tô Hoài đã thể hiện khao khát tình yêu của tuổi trẻ chợt bừng thức mãnh liệt khi xuân về, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình. Mị đã thổn thức, tưởng tượng, nhớ lại, so sánh, suy nghĩ về sống chết... và cuối cùng, quyết định đi chơi Tết theo tiếng gọi của chính trái tim mình. Nhưng cuộc “vượt thoát” này đã không thành vì hung thần, A Sử. Mị đã trở lại thân phận nô lệ trong cảnh ngục tù! Mặc dù A Sử trói, tắt đèn... nhưng còn ngọn lửa trong lòng Mị với khát khao tình yêu, khát khao sống vẫn âm ỉ. Nó chỉ chờ cơ hội, chờ hoàn cảnh thích hợp để bùng lên một lần nữa.

- Cảnh “những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn...”, Mị đã cởi trói cho A Phủ và tự cứu lấy chính mình:

+ Từ lạnh lùng vô cảm, đến thức dậy lòng trắc ẩn, thương mình, thương người, căm thù “chúng nó”, sự phẫn uất,..., Mị quyết định cứu người - cởi trói cho A Phủ mà không hề sợ hãi.

+ Khoảng khắc “hoảng hốt” thể hiện nỗi sợ hãi mang tính bản năng của nhân vật, đó cũng là khao khát sống trỗi dậy mạnh mẽ và quyết liệt của Mị. Cô đã quyết định vô cùng sáng suốt trong cái “khoảng khắc” đầy ý nghĩa của cuộc đời. Từ bóng tối, Mị cùng A Phủ vượt qua nó để đến với ánh sáng, từ thân phận nô lệ, Mị và A Phủ thành con người tự do.

- Khẳng định: Giá trị nội dung chân thật của tác phẩm qua việc thể hiện đời sống tâm lí nhân vật cùng quá trình tự giải phóng rất thành công của Tô Hoài.

Leave a Reply